“Có con người hạnh phúc rất đơn sơ
Chọn nuôi trẻ, đưa đò làm lẽ sống…”
Vần thơ ấy thật đúng khi nói về cô giáo Hoàng Thị Vương. Nhắc đến cô chúng tôi đều cảm phục và tự hào bởi cô là một giáo viên luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh, đặc biệt là đối với học sinh hòa nhập.
Hình ảnh cô giáo Hoàng Thị Vương
Cô Hoàng Thị Vương tốt nghiệp Sư phạm năm 1987 và bắt đầu công tác tại trường năm 1996. Tính đến nay, cô đã có 11 năm giảng dạy lớp có học sinh hòa nhập.
Học sinh Nguyễn Hoàng Hải ( Học sinh tự kỷ - mặc áo trắng)
cùng cô Vương và các bạn học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa.
Với một giáo viên vốn lâu nay chỉ dạy những trẻ bình thường, việc có những học sinh hòa nhập trong lớp mình, thực sự ban đầu là một thách thức lớn.
Nhưng với lòng yêu thương con trẻ, cùng sự say mê, yêu nghề, nhiều năm qua, cô giáo Hoàng Thị Vương đã giúp nhiều học sinh học hòa nhập tiến bộ và quen với bạn bè, với cộng đồng xung quanh.
Cô Vương gắn bó với học sinh lớp 1 từ ngày ra trường, lứa tuổi còn bỡ ngỡ, ngây thơ và cần nhiều thời gian rèn giũa nền nếp. Năm học nào lớp của cô chủ nhiệm cũng đón một số học trò đặc biệt. Các em mắc chứng tự kỷ vào lớp học hòa nhập. Để dạy được học sinh bình thường bước vào lớp 1 quen với cách học đã khó, dạy được trẻ tự kỷ hòa nhập còn khó hơn gấp bội phần. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu học trò từ tâm, cô Vương đã khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ vỡ òa trong hạnh phúc khi con biết đánh vần, biết đọc, biết viết, biết vui chơi cùng các bạn, …
Cô Vương từng chia sẻ với tôi rằng: “Khó khăn nhất khi dạy trẻ tự kỷ là các em đều không hợp tác, không trả lời, đôi khi các em còn la hét, cào cấu bạn, không tham gia các hoạt động vui chơi tại lớp. Có em còn không biết đang học lớp mấy và cô giáo mình tên là gì. Đặc biệt có em học sinh không có khả năng phục vụ bản thân từ việc thay mặc quần áo cho đến vệ sinh cá nhân. Dạy học sinh hòa nhập khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng học sinh để có cách dạy và trị liệu riêng. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì việc đầu tiên cần làm trong dạy học sinh hòa nhập chính là trực tiếp gặp phụ huynh để có thêm những thông tin về học sinh. Khi tiếp xúc với gia đình, đặc biệt mẹ của các em học sinh hòa nhập mới thấy hết được nỗi vất vả, trăn trở về câu hỏi làm sao để các con tiến bộ mỗi ngày dù là một câu nói, đánh vần hay một phép tính.” Từ sự thấu hiểu và đồng cảm với các bậc làm cha, làm mẹ và sự yêu thương học sinh, cô Vương đã trở thành người mẹ thứ hai của các bạn học sinh hòa nhập.
Hằng ngày đến trường, tôi luôn bắt gặp hình ảnh cô Vương đang chăm sóc, dạy dỗ cho các bạn học sinh. Đặc biệt là những ngày đầu lớp 1, các bạn học sinh còn non nớt, ngây thơ, ngoài việc hướng dẫn cho các bạn học sinh bình thường trong lớp, cô Vương còn phải dành nhiều thời gian cho các bạn học sinh hòa nhập lớp mình. Cô thường xuyên phải đến lớp từ rất sớm để nhắc nhở học sinh về nền nếp và chuẩn bị cho việc dạy học. Nhiều lần tôi nhìn thấy cô một tay dắt một bạn học sinh hòa nhập, đằng sau còn một bạn đang bám áo cô để cô dắt ra nhà vệ sinh. Rồi có những lần có bạn học sinh hòa nhập không nghe lời cô cứ lăn lộn ra đất khóc mếu, cô Vương chỉ ân cần vỗ về, nói chuyện nhẹ nhàng. Như hiểu ra chuyện, một lúc sau bạn nhỏ đó đã nghe lời và đứng dậy theo cô về lớp.
Khi vào dự giờ một tiết học ở lớp cô Vương, tôi lại càng thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả mà cô đã trải qua. Cô vừa cố gắng truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho các bạn học sinh bình thường, vừa cố gắng để các bạn học sinh hòa nhập giao lưu, học tập cùng các bạn trong lớp. Để giúp các em hứng thú tham gia các tiết học, cô Vương luôn tạo nhiều tình huống để các em cùng tham gia. Trong tiết học, cô phân công những học sinh cùng học, cùng chơi với các bạn hòa nhập để giúp đỡ bạn. Khi đó, cô sẽ quan sát trẻ trong từng hoạt động, cùng trò chuyện, cùng tham gia các trò chơi trong tiết sinh hoạt tập thể, giờ giải lao… để phát hiện những nhu cầu và năng lực của học sinh nhằm đánh thức kịp thời cũng như hạn chế các mặt tiêu cực của học sinh. Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các bạn học sinh hòa nhập. Có thể vì vậy mà nhiều năm nay, năm nào cũng có cha mẹ học sinh có con học hòa nhập xin được vào lớp cô để nhờ cô kèm cặp, dạy dỗ cho con.
Hình ảnh cô Vương đang uốn nắn từng nét chữ cho học sinh Hà Đình Bách.
Năm học 2022-2023, Bách đã là học sinh lớp 4A2
Cô Vương luôn bên cạnh bạn Anh Thư - học sinh hòa nhập lớp 1A2 cô đang chủ nhiệm và kiên nhẫn chỉ dạy cho Anh Thư từng nét chữ
Là giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực, cô Hoàng Thị Vương chính là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp và học trò noi theo. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn thể hiện được phẩm chất mẫu mực của một nhà giáo hết lòng yêu thương học sinh.
Trái tim yêu nghề của cô Vương đã khiến mọi nhọc nhằn, khó khăn trở thành niềm vui. Với cô Vương, hạnh phúc nhất khi những học sinh tự kỷ có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời. Đó cũng là tâm niệm của nhiều thầy, cô giáo đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Lòng biết ơn của các phụ huynh, sự tiến bộ mỗi ngày của những học sinh thiệt thòi thực sự luôn là món quà quý giá nhất trong cuộc đời của những người làm giáo viên và cô Vương giờ đang nhận được điều đó, mỗi ngày.
Sài Đồng, ngày 6 - 02 - 2023
Người viết
Kiều Thanh Hằng