“Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”. Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ và đặc biệt với những đứa trẻ khuyết tật, sự hy sinh, lòng yêu thương, đồng cảm này còn lớn lao, vất vả, gian khổ cực nhọc hơn rất nhiều. Một vài năm qua xã hội luôn lên án giáo dục với những mảng màu tối như: gian lận thi cử, bạo lực học đường… Nhưng đâu đó tôi tin rằng vẫn còn những người thầy, người cô với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, vẫn trọn đời sống và làm việc với phương châm “ tất cả vì đàn em thân yêu”.
Ngay chính trong ngôi trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều nơi tôi đang làm việc, có một người thầy như thế, cô không chỉ là người đồng nghiệp mà còn là “ người thầy” được nhiều giáo viên trẻ chúng tôi vô cùng quý trọng. Đó là cô giáo Hoàng Thị Vương - người đã gắn bó hơn 30 năm với nghề dạy học và điều đặc biệt khi nhắc tới cô có lẽ là ở “cái duyên” với những đứa trẻ đặc biệt. Ca ngợi những việc cô giúp đỡ những học sinh thuộc diện giáo dục hòa nhập trong trường cô thường cười và gạt đi, có lẽ đối với cô đó là cái tâm của người dạy học, là việc làm xuất phát từ trái tim của người làm thầy mà thôi.
Cô Vương là giáo viên dạy lớp 1 nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục hòa nhập. Hầu hết năm học nào cô cũng đón các em học sinh khuyết tật, dưới bàn tay dìu dắt của cô các em ngày càng tự tin và hòa nhập hơn với cộng đồng. Nhìn cách cô chăm sóc, bảo ban những đứa trẻ từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày đến việc nhẫn nãi hướng dẫn giảng giải cho các em chuyện học hành làm tôi vô cùng khâm phục. Khâm phục tình yêu của cô dành cho các con học sinh, khâm phục sự kiên trì, nhiệt huyết của một người thầy tận tụy. Không phải ai cũng có đủ tình yêu, tình thương, và sẵn sàng coi những đứa trẻ khiếm khuyết ấy như con của mình. Tâm sự với cô tôi càng thấu hiểu tình yêu cô dành cho những học sinh đặc biệt của mình, điều khiến cô vui, hạnh phúc là thấy được sự tiến bộ từng chút một ở các em, là khi các em tự tin hòa nhập cùng bạn bè. Cô luôn dạy các con học sinh trong lớp biết yêu thương và bảo vệ bạn bè của mình. Chính trái tim yêu thương ấy của cô đã lan tỏa đến các em học sinh nên lớp cô chủ nhiệm luôn luôn là một tập thể lớp đoàn kết.
Năm học 2019 - 2020 này cô không làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp, vì vậy mà cô càng có nhiều thời gian để giúp đỡ các em học sinh khuyết tật trong trường. Vào thời gian nghỉ khi có tiết trống cô lại dành thời gian nghỉ ngơi của mình để kèm riêng cho các em học sinh gặp khó khăn trong nhận thức, dạy các em đánh vần từng con chữ, lập từng phép tính đơn giản. Với một đứa trẻ bình thường để tiếp thu kiến thức đã khó, đối với những đứa trẻ khuyết tật việc dạy để các em tiếp thu được còn khó gấp nhiều lần. Chính vì vậy cô luôn không ngừng tìm hiểu những phương pháp mới, hình thức dạy học mới mẻ để các em hào hứng hơn với việc học, tự tin và chủ động học tập hơn. Cô không chỉ là cô giáo mà còn như người mẹ thứ hai của các em chăm sóc các em khi ở trường, đôi khi lại như người bạn đồng hành cùng các em học tập, vui chơi. Ở cô luôn cảm nhận được sự chân thành, yêu thương; với học sinh, cô luôn dịu dàng, nhẫn nại. Chẳng khó để bắt gặp nụ cười luôn thường trực trên gương mặt rạng ngời của cô.
Đối với đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp trẻ tuổi,cô luôn nhiệt tình giúp đỡ, đưa ra những lời khuyên cần thiết, những bài dạy hay để chúng tôi ngày càng tiến bộ. Không chỉ vậy, cô là một người thằng thắn luôn mạnh dạn đưa ra ý kiến góp ý chân thành cho cá nhân và tập thể. Đó chính là điều khiến chúng tôi luôn quý trọng cô.
Cô Hoàng Thị Vương chính là tấm gương về người thầy tam huyết, người lái đó thàm lặng với trái tim ấp áp để chúng tôi - những thầy cô giáo trẻ noi theo. Chúc cô luôn luôn khỏe mạnh, để tiếp tục lan tỏa yêu thương đến ngày càng nhiều những thế hệ học trò, gieo những hạt giống yêu thương, chắp thêm đôi cánh cho thật nhiều những đứa trẻ kém may mắn tự tin hơn, vững vàng hơn bước vào đời.