Đúng 13h30’ chiều ngày 30/10/2020, khối lớp 3 được di chuyển lên xe và tham quan 2 điểm di tích lịch sử địa phương do cô Đỗ Thị Thanh Nhàn – Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn. Tại hai địa điểm di tích lịch sử, thầy và trò nhà trường được ban quản lý di tích đón tiếp rất chu đáo. Sau phần tổ chức cho thầy trò là lễ Thánh, GV và HS nhà trường được bác trưởng ban di tích trong ban quản lý cho biết thêm về lịch sử của hai ngôi đình và đền này.
Điểm dừng chân đầu tiên sau những giây phút háo hức mong chờ là Đình Thổ Khối của phường Cự Khối.
Ảnh minh họa: Đình Thổ Khối
Đình Thổ Khối có từ trước năm 1730 . Đình thờ 6 vị thành hoàng làng gồm: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng. Các ban học sinh không khỏi ngỡ ngàng khi tới nơi đây. Bởi lẽ, khuôn viên của đình rộng lớn và có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng hướng Tây qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng.
Ảnh minh họa: Hồ bán nguyệt
Đình là cả một kiến trúc đồ sộ gồm các dãy nhà nằm song song và nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây 2 tầng. Tòa đại đình, sân đình rộng co lối cho ô tô đi vào.
Ảnh minh họa: sân đình Thổ Khối
Trang trí trên kiến trúc và di vật ở trong đình rất phong phú, đặc biệt tại hậu cung còn giữ được 67 đạo sắc phong của các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Đình Thổ khối được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1990.
Chặng tiếp theo của hành trình là đền Trấn Vũ. Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Ảnh minh họa: Cổng đền Trấn Vũ - Thạch Bàn – Long Biên – Hà Nội
Đền hiện nay toạ lạc trên thế đất quy xà hội tụ, mặt quay về hướng bắc nhìn qua nghi môn và bình phong ra cây cầu đá dẫn đến một phương đình 2 tầng 8 mái ở trên hồ bán nguyệt mới được xây trong đợt trùng tu gần đây.
Ảnh minh họa: Hồ bán nguyệt
Đền có đại bái và trung cung song song ở phía trước, trung cung nối với hậu cung thành hình chữ "Đinh". Đại bái rộng 3 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc. Trong trung cung bày đôi tượng vệ sĩ bằng đá đứng trước hương án lớn. Hậu cung xây 2 tầng 8 mái có cổ diềm lấy ánh sáng.
Sau khi tham quan phía bên trong đền, tất cả học sinh đều trầm trồ, thán phục vì nơi đây có pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh - Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực.
Ảnh minh họa: Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ
Tại đền Trấn Vũ, hàng năm, vào ngày 3/3 Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của Ngài, ngày 9/9 là ngày hóa của Ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo. Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong hội thi là cây song to và nhẵn với chiều dài khoảng 30m và được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ. Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác. Trò góp phần hào hứng không nhỏ vào lễ hội nhằm mang lại điều tốt lành, may mắn cho làng xóm, mong muốn một mùa màng bội thu, tươi tốt… Chính vì vậy dù là người thắng hay kẻ thua mọi người đều hồ hởi và vui vẻ. Đền Trấn Vũ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Ngày 21/4/2015, kéo co ngồi đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ảnh minh họa: Cột trụ của trò chơi kéo co ngồi
Chuyến đi tham quan di tích lịch sử địa phương vô cùng ý nghĩa với các bạn học sinh trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Những kiến thức mà các bạn nhỏ nhận được qua chuyến đi hôm nay sẽ là những bài học trải nghiệm không bao giờ quên để từ đó các em sẽ thêm trân trọng, tự hào về quê hương , đất nước mình. Sau chuyến đi, chúng em cũng thấy rằng bản thân mình cần phải cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa để có thể góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.Trong thời gian tới,rất mong nhà trường sẽ tổ chức nhiều chuyến tham quan bổ ích như vậy để học sinh có hiểu biết hơn nữa về những truyền thống tốt đẹp, những anh hùng, danh nhân lịch sử của dân tộc Việt Nam ta