Đồng chí Nguyễn Thị Toán là nhân viên y tế trẻ, có lòng yêu nghề và sự nhiệt tình trong công tác. Chị bắt đầu trở thành một sinh viên y sĩ năm 2005. Sau nhiều năm được học tâp và rèn luyện dưới mái trường Trung học Y tế Hà Nội, chị tốt nghiệp và bắt đầu công tác tại Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều với vai trò là nhân viên y tế kể từ đó cho đến nay. Trong khi đi làm, với mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về ngành học của mình và trau dồi thêm nghiệp vụ để giúp ích cho xã hội và ngôi trường thân yêu.
Trong những năm tháng cống hiến cho nghề, chị luôn được coi là người chiến binh thầm lặng. Sáng sớm, khi sân trường còn vắng bóng học sinh thì chị đã có mặt ở phòng y tế, chuẩn bị đồ dùng cũng như sắp xếp lại những vật dụng cần thiết. Với ngôi trường có hơn 1000 học sinh, công việc của chị rất vất vả. Tuy vậy chưa bao giờ tôi thấy chị cáu gắt hay to tiếng với mọi người và đặc biệt là học sinh. Chị luôn tận tình và ân cần. Có lần học sinh lớp tôi bị sốt, tôi đưa con xuống phòng y tế. Sau khi xuống phòng y tế, con đã được chị Toán thăm khám, đo nhiệt độ và cho uống thuốc tại chỗ. Từ việc dìu con lên giường cho đến thái độ lo lắng từng chút của chị chẳng khác gì hình ảnh của một người mẹ đang ân cần chăm sóc con.Tôi đã để con ở lại và yên tâm quay về lớp. Biết con muốn về nhà nghỉ mệt, chị Toán đã gọi điện thông báo cho tôi để gọi gia đình đến đón. Khi mẹ Ngọc Hà đến, chị đã ân cần hướng dẫn mẹ cháu cách chăm sóc bé ở nhà. Nhìn những việc làm ấy của chị, tôi và mẹ cháu vô cùng xúc động.
Đôi lần tâm sự với chị, chị nói: “Muốn trở thành một người thầy thuốc của nhân dân thì người cán bộ y tế phải thấm nhuần 12 Điều Y đức, học tập tinh thần tận tụy, quên mình, không ngại khó khăn của tấm gương bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Lương y như từ mẫu”. Để làm được điều đó, bản thân người nhân viên y tế phải có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh, coi người bệnh như người thân ruột thịt của mình. Ngoài ra, người cán bộ y tế cũng phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, nâng cao tay nghề để phục vụ người bệnh tốt hơn”. Vậy đó, người có tâm với nghề như chị làm tôi thấy thật khâm phục và cũng rất tự hào được làm việc chung dưới một mái trường Tiểu học với chị.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh, chị còn làm rất nhiều các công viêc kiêm nhiệm khác. Công tác vận động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe học đường được chị làm thường xuyên và có hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền của chị rất đa dạng, phong phú, thu hút các phụ huynh học sinh và giáo viên tham gia. Qua các buổi tuyên truyền của chị, các cô và phụ huynh học sinh nắm thêm được nhiều kiến thức về cách phòng tránh một số dịch bệnh, tầm quan trọng của uống sữa học đường hay lợi ích của việc tập thể dục thể thao... Khoác chiếc áo blouse trắng, bằng sự dịu dàng, ân cần, chị đã giúp các con hiểu được tầm quan trọng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là như thế nào. Chính vì vậy, các con rất yêu quý và kính trọng chị. Nhờ sự cố gắng miệt mài làm việc cùng trình độ chuyên môn vững vàng, chị luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào nên năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Từ cuối tháng một, đầu tháng hai, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS- CoV- 2 bắt đầu được phát hiện và bùng phát, chị đã bắt tay ngay vào những công việc cần làm và cấp thiết nhất để có phương án phòng tránh bệnh tốt nhất cho nhà trường như: Chị tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch, kế hoạch vệ sinh khử khuẩn hàng tuần, kế hoạch mua sắm các trang thiết bị, các chất tẩy rửa thông thường như: xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn tay nhanh, vim tẩy bồn cầu, nước lau sàn, giấy vệ sinh, ….
Không những vậy, sau khi đi tập huấn về công tác phòng chống bệnh SARS-CoV-2, chị còn sắp xếp thời gian chia sẻ những kinh nghiệm mà chị tiếp thu được cho toàn bộ cán bộ - nhân viên và giáo viên tại trường. Hình ảnh chị trước mặt tôi như một người “giáo viên” nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Chị cho chúng tôi biết cần phải làm những gì để phòng tránh cũng như cách xử lí như thế nào nếu mình có triệu trứng của bệnh. Hơn hết, chị lại cùng chúng tôi vệ sinh khử khuẩn để giữ khuôn viên trường và lớp học luôn được sạch sẽ, khô thoáng, tránh để ngôi trường thân thương của chúng tôi là môi trường gây bệnh.
Khi tình hình dịch bệnh đã được ổn định hơn, học sinh bắt đầu đi học trở lại thì nỗi lo của chị lại càng nhiều hơn. Chính vì vậy, chị lại tất bật các công tác chuẩn bị những phương án kế hoạch thật chi tiết và tỉ mỉ. Chị tham mưu cho Ban giám hiệu làm rào chắn, mua nước sát khuẩn, bông, cồn y tế và máy đo nhiệt độ hồng ngoại để đảm bảo các con đến trường có một môi trường học tập thật an toàn giúp phụ huynh có thể an tâm đi làm. Cuối ngày, cuối tuần chị lại pha nước khử khuẩn để giáo viên cùng phụ huynh dọn vệ sinh lớp thật sạch sẽ.
Trong công việc, chị là người cẩn thận, luôn hoàn thành tốt mọi việc được giao. Còn trong gia đình, chị cũng là người mẹ tảo tần, hi sinh, hết lòng vì gia đình. Mỗi khi đi làm về, chị lại làm từ việc nhỏ như dọn dẹp, lau nhà cửa đến những việc cơm nước, chăm sóc con cái. Bận rộn như vậy, mà công việc hai bên nội, ngoại đều một tay chị lo hết mà không để lời ra tiếng vào bất kì điều gì. Ấy thế mà chưa bao giờ chúng tôi thấy chị kêu ca, phàn nàn hay cáu bẳn vì mệt mỏi. Chị vẫn nhẹ nhàng, tình cảm, vẫn làm việc bằng cả tình yêu và lòng đam mê.
Thầy thuốc là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Có những người trực tiếp cứu chữa người bệnh, làm việc trong các cơ sở y tế. Cũng có những thầy thuốc “mang quân hàm xanh” như các chiến sĩ biên phòng. Lại có nhiều thầy thuốc với những đóng góp thầm lặng mà cực kỳ quan trọng bởi việc làm của họ đã góp phần không nhỏ đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, phòng các bệnh hay mắc ở học đường như cô y tế trường tôi – đồng chí Nguyễn Thị Toán. Mong chị sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cao quý mà thầm lặng của mình.