Đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, hai cường quốc sừng sỏ lớn mạnh nhất thế giới cũng phải rút lui để trả lại một Việt nam hòa bình.
Để đổi lại được nền hòa bình cho dân tộc các thế hệ cha anh chúng ta đã đổ biết bao xương máu. Và khi đất nước bị dày xéo cả dân tộc chìm trong thương đau thì không kể già, hay trẻ đều sẵn sàng đứng lên chiến đấu, giành lại quyền tự do cho dân tộc. Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu cuốn sách, viết về một thiếu niên anh hùng , trong thời kỳ chống Pháp: Cuốn: Phạm Ngọc Đa của tác giả Xuân Sách được nhà xuất bản Kim đồng ấn hành năm 2010 với 162 trang khổ 12*19 cm. Tác giả Xuân Sách kể lại cho bạn đọc những ngày kháng chiến chống Pháp ở một làng quê thuộc xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải phòng. Cậu bé Phạm Ngọc Đa từ một đứa trẻ mồ côi, đi ở và trở thành một đội viên thiếu niên du kích anh dũng mưu trí.
Các em thân mến! Liệt sĩ thiếu niên anh hùng Phạm Ngọc Đa (1938-1953) - một nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, đồng thời là một trong số ít các thiếu niên Việt Nam được chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Phạm Ngọc Đa sinh năm 1938 tại làng Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình lao động nghèo, cha là thợ mộc, mẹ làm thuê kiếm sống nuôi hai chị em. Nhà nghèo, Đa phải đi ở cho một nhà giàu. Năm 15 tuổi, Phạm Ngọc Đa trở thành đội viên du kích xã, làm giao liên, trinh sát và trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Phạm Ngọc Đa được chọn vào tổ quân báo của du kích làm nhiệm vụ theo dõi địch, đặt mìn, vót chông, giấu cán bộ xuống hầm bí mật.Nhà nghèo, Đa phải đi ở cho một nhà giàu. Chính những năm đi ở đấy, cậu bé Đa 15 tuổi đã vào Đội Thiếu niên để hoạt động du kích.
Đa bắt cóc buộc vào ống bơ thả vào đồn làm cho giặc ăn không ngon ngủ không yên. Anh đánh trâu lồng húc thẳng vào bọn giặc, cứu anh phụ trách. Đa làm liên lạc theo dõi địch, đặt mìn, vót chông, giấu cán bộ xuống hầm bí mật. Một hôm giặc đi càn. Chúng bắt được anh, hỏi anh có phải là “Thép một” không. Anh trừng mắt trả lời vào mặt chúng: “Tao là người đang muốn giết hết bọn Tây cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Tao không biết thép… nào cả. Tất cả chúng tao đều là thép hết!”.
Chúng bắt anh chỉ hầm bí mật. Chúng chặt một tay rồi hai tay… anh vẫn không khai nửa lời. Biết chẳng khai thác được gì ở con người gan dạ ấy nên chúng đã chặt người anh nát ra từng khúc. Anh đã hi sinh vì quê hương đất nước.
Trong giai đoạn này, thực dân Pháp đánh chiếm nội thành Hải Phòng và chuẩn bị càn quét để mở rộng vùng chiếm đóng ra ngoại thành, trong đó có huyện Tiên Lãng. Sáng ngày 28/8/1953, quân Pháp mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn mang tên Claude vào toàn huyện Tiên Lãng. Suốt một tháng ròng quân và dân Tiên Lãng chiến đấu gian khổ trong tương quan lực lượng và khí giới rất chênh lênh so với kẻ địch nhưng quân Pháp cuối cùng vẫn phải rút lui. Thắng lợi này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó gửi thư khen ngợi. Góp phần vào chiến công đó có tấm gương chiến đấu anh dũng của thiếu niên Phạm Ngọc Đa.
Tuy nhiên đến ngày 30/8/1953, làng Phác Xuyên lại chìm trong lửa đạn trả thù của quân Pháp và tay sai. Trước hỏa lực hùng mạnh của quân Pháp, các du kích quân buộc phải rút xuống hầm trú ẩn. Địch tràn vào làng đốt phá, lùng sục. Không may cho Phạm Ngọc Đa, địch lại đặt súng cối trên nóc hầm bí mật của Đa nên đất sụt xuống, chúng đã nghi ngờ, đào bới tìm ra hầm và bắt được Đa cùng một số du kích quân khác. Quân Pháp bắt trói Đa và tra tấn rất dã man nhằm buộc anh phải chỉ điểm các hầm bí mật còn lại. Đa nói lớn vào mặt kẻ địch cốt để báo động cho các chiến sĩ khác đang ẩn nấp quanh khu vực đó biết: “Đúng, tao biết nhiều hầm nhưng không phải là để khai ra với chúng mày!”. Tên quan ba Pháp nổi tiếng tàn ác cầm dao chặt lìa một cánh tay của Đa. Trong đau đớn, anh vẫn giữ khí tiết. Nhằm khủng bố tinh thần của Đa cũng như những chiến sĩ du kích khác, quân Pháp cắt từng đoạn chân của anh cho đến chết nhưng vẫn không khai thác được gì. Tấm gương hy sinh anh hùng của thiếu niên du kích Phạm Ngọc Đa sau này được trân trọng nhắc đến trong nhiều tài liệu giáo dục lịch sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bên cạnh những tấm gương anh hùng thiếu niên khác.
Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của người đội viên thiếu niên quả cảm, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng Phạm Ngọc Đa danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại quê hương của Phạm Ngọc Đa ở huyện Tiên Lãng có một tượng đài kỷ niệm người anh hùng thiếu niên đã hy sinh vì nghĩa lớn.
Để giúp các bạn đọc hiểu rõ hơn về những chiến công và sự gan dạ của Phạm Ngọc Đa thư viện xin giới thiệu cuốn sách tới toàn thể bạn đọc. Sách nằm trong tủ sách lịch sử của nhà trường, mã số: 5350