Các bạn học sinh thân mến, hiện nay xung quanh chúng ta có rất nhiều các bệnh truyền nhiễm, chúng sống ở nhiều môi trường khác nhau và lây truyền sang con người cũng qua nhiều con đường khác nhau như: bệnh Tả, bệnh Tay- Chân- Miệng, bệnh Cúm và gần đây dịch bệnh Sốt xuất huyết đang bùng phát và có nguy cơ lây truyền mạnh mẽ trong cộng đồng sống của chúng ta. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, số người mắc Sốt xuất huyết tính đến ngày 03/8/2017 có trên 9000 trường hợp, đã có trường hợp tử vong. Quận Long Biên tính đến ngày 07/8/2017 có 70 ca bệnh, 12 ổ dịch.…Với tính lây truyền nguy hiểm của bệnh, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh để bảo vệ mình và cộng đồng trước mùa dịch. Bệnh sốt xuất huyết được truyền từ người này sang người khác qua trung gian là muỗi vằn.
Hình ảnh muỗi văn
Muỗi vằn sinh sôi mạnh nhất vào mùa mưa chúng có thể đánh hơi người rất thính trong vòng bán kính 100- 150m. Chúng thường đậu ở nơi ít ánh sáng và có hơi ẩm. Chúng thích đốt người vào lúc sáng sớm và chiều tối. Muỗi cái đẻ trứng vào trong các dụng cụ có nước trong và sau khoảng 10- 15 ngày trứng sẽ phát triển thành bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm cho con người, đến nay chưa có thuốc phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh người bệnh có biểu hiện sốt cao sau 4- 7 ngày có các chấm, đốm, nốt hoặc mảng xuất huyết dưới da: có thể thấy rải rác ở toàn thân nhưng thường hay tập trung nhiều ở cẳng chân, cẳng tay, có thể xuất hiện chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa diễn biến nặng có khả năng gây tử vong cao.
Đứng trước mùa dịch đang ngày càng bùng phát trong cộng đồng, trường tiểu học Vũ Xuân Thiều tập trung phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp tuyên truyền và tổng vệ sinh môi trường.
Tờ rơi tuyên truyền về bệnh Sốt xuất huyết
Tranh tuyên truyền về bệnh Sốt xuất huyết ở bảng tin nhà trường
HS, GV tham gia tổng vệ sinh môi trường
Tuy nhiên để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả thì đòi hỏi cần có sự tham gia của mỗi cá nhân và toàn cộng đồng.
1. Thứ nhất:
Diệt lăng quăng nhằm hạn chế phát sinh của muỗi vằn bằng cách:
- Các dụng cụ chứa nước cần phải được đậy nắp kín hoặc úp ngược khi không dùng tới.
- Các dụng cụ chứa nước nhất là bể chứa nước to cần nên thả cá 7 màu để ăn lăng quăng.
- Thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước mỗi tuần 1 lần để loại bỏ lăng quăng.
- Xung quanh nhà nên vệ sinh sạch sẽ, thu gom loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết như: gáo dừa, các dụng cụ có thể chứa nước, vỏ lon sữa bũ…để không còn là nơi muỗi đẻ trứng.
- Thường xuyên kiểm tra lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, phát hiện có lăng quăng phải xử lý kịp thời.
2. Thứ hai: Tích cực phòng tránh muỗi đốt bằng cách:
- Cho trẻ ngủ màn kể cả ngày lẫn đêm.
- Dựng nhan, quạt xua muỗi và dùng bình xịt muỗi tại nhà để diệt muỗi.
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng để hạn chế muỗi.
- Để rác đúng nơi quy định, thùng rác phải có nắp đậy và phải không lưu rác qua ngày.
3. Thứ ba: Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao đột ngột cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.